Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Tái ông thất mã

Tái ông thất mã


"Tái ông thất mã" là "ông già ở biên giới mất ngựa".

Sách của Hoài Nam Tử có chép:

Một ông lão ở gần cửa ải Nhạn Môn, nơi giáp giới nước Tàu với Phiên Quốc (Hồ) có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất. Người quen thuộc đều đến thăm hỏi, chia buồn. Ông lão nói:

- Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách mấy tháng, con ngựa trở về lại quyến thêm một con ngựa hay tốt. Những người quen thuộc kéo đến xem ngựa và chúc mừng. Ông lão nói:

- Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!

Từ khi được ngựa hay tốt, con ông lão thích cưỡi. Chẳng may té què chân. Người quen thuộc đều đến hỏi thăm, chia buồn. Ông lão nói:

- Con què thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách một năm có giặc Hồ. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ con ông lão vì què, không phải đi lính mà cho con vẫn họp nhau.

"Tái ông thất mã" trở nên một thành ngữ để chỉ sự họa, phúc xoay vần, khó biết trước được. Trong cái phúc thường khi có cái họa; trong cái họa lại có cái phúc. Cổ ngữ cũng có câu: "Họa tùng phúc sở ỷ, phúc tùng họa sở phục".

Sách của Úc Ly Tử cũng có chép:

Một người nhà quê trải cỏ phơi ở chân giậu. Hôm sau ra vơ cỏ, nghe tiếng kêu "tích tích", lật lên xem thì bắt ngay được một con trĩ.

Anh ta thấy thế lại vẫn để cỏ ở đấy, có ý mong ngày mai lại được con trĩ nữa. Mai ra, lắng tai nghe tiếng "tích tích" như hôm trước, bụng mừng thầm. Nhưng vừa bới cỏ lên thì ra một con rắn cắn ngay vào tay làm anh ta bị thương rồi chết.

Úc Ly Tử nói: "Trong thiên hạ có cái phúc không tưởng được thế mà may được thế; cũng có cái họa không ngờ đến thế mà xảy ra thế".

Trong một bài thơ của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có câu:

Kìa tụ tán chẳng qua là tiễn biệt,

Ngựa tái ông họa phước biết về đâu. 

Củi đậu đun hột đậu (Nấu đậu bằng dây đậu)

Củi đậu đun hột đậu


   Đời Tam Quốc (220-264), Tào Thực tự Tử Kiến là con thứ ba của Tào Tháo, vốn có tài làm thơ hay, được tiếng là đệ nhất thi nhân đời Tần-Hán nhưng có tính phóng túng. Tào Tháo thương lắm nhưng không thể truyền ngôi cho một chàng giàu tâm hồn nghệ sĩ ấy được.
    Tháo chết, truyền ngôi cho con cả là Tào Phi. Thực bản tính ngông nghênh bất phục, có ý chống lại ông vua anh. Phi giận lắm, truyền người bắt Thực đến định làm tội. Nhưng vì yêu tài Thực nên Phi bảo:
    - Ta với mày tuy tình anh em nhưng nghĩa vua tôi, sao dám cậy tài miệt lễ? Ngày tiên quân còn, mày thường đem văn chương khoe giỏi lòe đời. Ta rất nghi, có lẽ mày nhờ người khác làm giúp. Vậy giờ đây ta ra hạn: đi bảy bước phải làm xong một bài thơ. Nếu làm được thì tha tội chết; bằng không xong, ta quyết chẳng dung.
    Thực nói:
    - Xin ra đề cho.
    Trên điện sẵn có treo bức tranh thủy mặc, vẽ hai con trâu chém nhau bên bức tường đất. Một con rơi xuống giếng chết. Tào Phi trỏ vào bức tranh, bảo:
    - Hãy lấy bức họa kia làm đề. Nhưng trong thơ cấm phạm vào những chữ "Ngưu", "Đẩu", "Tường", "Trụy", "Tỉnh", "Tử" (Trâu, chọi, tường, rơi, giếng, chết).
    Thực đi khoan thai. Vừa hết bảy bước, liền cất tiếng ngâm:
        Hai tấm thân đi đường,
        Trên đầu bốn khúc xương.
        Gặp nhau tựa sườn núi.
        Bỗng đâu nổi chiến trường.
        Đôi bên đua sức mạnh,
        Một địch lăn xuống hang.
        Đâu phải thua kém sức,
        Chẳng qua sự lỡ làng.

    Nguyên văn:
        Lưỡng nhục tề đạo hành,
        Đầu thượng đới ao cốt.
        Tương ngô do sơn hạ,
        Huất khởi tương đường đột.
        Nhị địch bất câu cương,
        Nhất nhục ngọa thổ quật.
        Phi thị lực bất hư,
        Thịnh khí bất tiết tất.

    Tào Phi cùng tất cả quần thần đều giựt mình, nức nở khen. Phi lại hỏi:
    - Bảy bước thành thơ, ta còn cho là nhàm. Mày có thể ứng khẩu đọc ngay một bài được chăng?
    Thực đáp:
    - Xin ra đề cho.
    Phi nói:
    - Ta với mày là anh em. Cứ lấy câu đó làm đầu đề. Nhưng cấm dùng hai chữ "Huynh", "Đệ".
    Thực chẳng cần nghĩ ngợi một giây, ứng khẩu đọc ngay:
        Củi đậu đun hột đậu
        Đậu trong nồi khóc kêu:
        Cùng sinh trong một gốc,
        Bức nhau chi đến điều.

    Nguyên văn:
        Chữ đậu nhiên đậu cơ,
        Đậu tại phẩu trung khấp.
        Bản thị đồng căn sinh,
        Tương tiễn hà thái cấp.

    Phi nghe cảm động, sa nước mắt, liền tha cho, nhưng giáng Tào Thực làm An Hương Hầu.
    Ở Việt Nam trong thời Tây Sơn (1771-1802), hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ xuýt đánh nhau để tranh quyền. Nguyễn Nhạc yếu thế, phải khóc nói với em:
    - Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn?
    Nghĩa là: nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ? Nên Nguyễn Huệ cảm động rồi cả hai hòa nhau.
    Ở tỉnh Bình Định, mỗi khi người ta đi săn được hươu nai gì thì lột da ra làm nồi mà nấu thịt. Do đó ca dao Bình Định có câu:
    Da nai mà nấu thịt nai,
    Việc đời như thế không ai động lòng.
    Thịt nai mà chín bên trong,
    Da nai cũng cháy còn mong nỗi gì!

    Cảm động lời nói của Nguyễn Nhạc, người Bình Định đem lời đó diễn bằng câu ca dao:
    Lỗi lầm anh vẫn là anh,
    Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em?

    Đời nhà Nguyễn (1802-1945) vua Tự Đức giết anh là Hồng Bảo để củng cố địa vị ngai vàng của mình. Một hôm, trong một buổi chầu, nhà vua vô ý để răng cắn nhằm lưỡi mới khiến quần thần làm bài thơ chơi, nhưng trong thơ cấm dùng tiếng "Răng", "Lưỡi".
    Đây là bài thơ của cụ Nguyễn Hàm Ninh:
        Ngã sinh chi sơ nhữ vị sinh,
        Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh.
        Bất tư cộng hưởng trân cam vị;
        Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.

    Tạm dịch:
        Thuở tớ sinh ra, mày chửa sinh,
        Mày sinh sau tớ, tớ là anh.
        Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng,
        Xương thịt đành tâm nỡ dứt tình.

    Nhà vua khen hay, thưởng một chữ một nén vàng; nhưng vì cho bài có ý "móc", nên bắt phạt mỗi chữ đánh một roi.
    "Củi đậu đun hột đậu", "Nồi da xáo thịt", "Răng cắn lưỡi" thành ngữ điển tích này đều có một ý nghĩa như nhau.