Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

"Cao thủ" chữa cong vẹo cột sống

"Cao thủ" chữa cong vẹo cột sống

03/07/2011 10:22:49
- Hơn hai mươi năm qua, BS Lưu Quốc Túy ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa mày mò với từng liều thuốc đắng, với từng trang sách nhỏ để nghiên cứu và tìm ra phác đồ điều trị căn bệnh cong vẹo cột sống, vấn đề mà ngành y học lâu nay vẫn bó tay. Ông đã chữa trị thành công cho nhiều người và hiện đã gửi  bản báo cáo lên các cơ quan chức năng với mong muốn "sản phẩm" của mình được thẩm định.

Sinh trưởng trong một gia đình vốn không có truyền thống về y khoa, ngày nhỏ ông không nghĩ mình sẽ là một bác sĩ. Đến năm 1976, khi đang công tác tại Sư đoàn 390, Quân đoàn I thì ông được cử đi học tại Học viện Quân y. Năm 1982, ông về làm việc tại Bệnh viện 05, Quân khu III. Từ đó ông bắt đầu chú ý đến một loại bệnh mà nền y học thế giới cũng như Việt Nam đang bó tay, đó là bệnh cong vẹo cột sống. Đến những năm 1990, công việc nghiên cứu được đẩy mạnh. Sau hai mươi năm ông có thể ngủ ngon giấc vì phác đồ điều trị đã được chính tay ông hoàn thiện.
 

d
BS Lưu Quốc Túy phân tích một số trường hợp cong vẹo cột sống

Hai mươi năm, một phác đồ


Ông luôn bị ám ảnh bởi câu ca của người xưa: "Bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng...". Câu ca như nói với ông về căn bệnh cong vẹo cột sống đã có từ xa xưa, thường thấy ở những người già. Nhưng, điều khiến ông trăn trở hơn cả là ngày nay chứng bệnh này còn xuất hiện phổ biến ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là ở học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường... Những trăn trở đó đã thôi thúc ông "mò mẫm" đi tìm lời giải...


Giờ đây, ông Túy đã bước qua cái tuổi ngũ tuần, nhưng hễ rảnh tay ông lại cầm những quyển sách về y khoa lên mà nghiền ngẫm. Việc chỉ ra nguyên nhân đối với bệnh cong vẹo cột sống các sách y khoa viết rất nhiều. Nhưng rất ít tài liệu nói về phương pháp chữa trị triệt để (thường chỉ nói đến cách phòng ngừa). Y học hiện đại ngoài việc phẫu thuật chỉnh hình ra thì chưa có cách nào chữa được bằng nội khoa, tức là không cần dùng đến dao kéo mà vẫn chữa triệt để được bệnh.


Để tìm ra được phác đồ điều trị, ông đã theo dõi hàng trăm bệnh nhân mắc chứng cong vẹo cột sống trong một thời gian dài. Vừa theo dõi ông vừa điều trị. Những người đầu tiên có một chút tiến triển theo chiều hướng tốt, tuy nhiên bệnh vẫn không khỏi hẳn. Từ những kết quả đó, ông tăng, hoặc giảm liều lượng của một số thuốc và tiếp tục theo dõi sự tiến triển của bệnh.


Công việc này diễn ra liên tục hơn hai mươi năm, nhiều loại thuốc đã được ông lọc ra để tạo nên một phác đồ điều trị nội khoa hoàn toàn mới với hiệu quả mang lại theo ông là tuyệt đối.


Phải xác định đúng bệnh


Trong hơn hai mươi năm tìm kiếm phác đồ điều trị, rất nhiều người bệnh đã được ông Túy chữa khỏi. Tuy nhiên, ông vẫn "ngán" một điều đó là phải phân biệt được chính xác bệnh mới có thể bắt tay vào chữa trị.

Chị Tống Thị Sen ở Yên Hưng, Yên Mô, Ninh Bình năm nay mới ngoài 40 tuổi nhưng đã bị căn bệnh cong vẹo cột sống hành hạ gần 20 năm nay. Một số biểu hiện như bị mỏi rũ thường xuyên, đau tăng lên khi thay đổi thời tiết. Có hôm ngủ dậy chị thấy lảo đảo líu lưỡi không nói được. Ngoài ra, cơ thể chị còn xuất hiện một số triệu chứng như sợ tiếng động, tiếng ồn to và nhỏ, sợ ánh sáng, mi mắt cứng không nhắm hoặc mở được, tê hàm dưới và thấy buốt răng khi ăn, khó nuốt, đau khắp đầu, đau dọc sau vai và tay trái cho đến các ngón tay.

Bệnh này đã đày đọa chị suốt bốn năm ròng khiến chị không dám ra khỏi buồng, không dám tiếp xúc vơí người khác. Chị liên tục phải nằm trên giường do chóng mặt đau dữ dội ở đầu, sau cổ và trên mi mắt. Khi kiểm tra X-quang, ông Túy thấy hình xơ xương dưới sụn các đốt sống cổ, biến dạng nhẹ một số thân đốt sống dẫn đến các mạch máu bị nghẽn ít lưu thông máu lên não.

Sau chín lần điều trị nội khoa theo phác đồ của ông Túy, bệnh của chị Sen đỡ dần, sau đó ông Túy tiếp tục cho uống thuốc kết hợp với tiêm, đến nay căn bệnh của chị đã dứt hẳn, các bức hình chụp X-quang cho thấy, các đốt sống cổ không còn biến dạng như trước, các hình xơ xương không còn xuất hiện, chị có thể tự lo liệu được cuộc sống sinh hoạt cho bản thân và làm những việc khác trong gia đình.


Cũng như chị Sen, nhiều người đã được ông chữa khỏi triệt để bệnh. Những trường hợp khó ông thường ghi lại triệu chứng, biểu hiện và sự thay đổi của bệnh khi cho bệnh nhân dùng thuốc, đồng thời có cách điều trị thích hợp đối với mỗi người giúp bệnh mau khỏi. Thông thường người bị cong vẹo cột sống, gai cột sống dẫn đến đau lưng, đau đầu ông có thể chữa khỏi trong vòng 1 đến 3 tháng bằng phương pháp nội khoa.


"Đi xin" cơ quan chức năng thẩm định


Mong muốn khẳng định "bản quyền" đối với việc tìm ra phương pháp điều trị bệnh cong vẹo cột sống và đem lại hạnh phúc cho nhiều người, ông Túy đã lặn lội đến các cơ quan ban ngành như Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Bộ Y tế... xin các cơ quan này thẩm định "sản phẩm" ông đã nghiên cứu ra.


Ông Túy lật từng trang báo cáo kể: "Tôi đã đến Sở Y tế, Sở Khoa học & Công nghệ để xin họ thẩm định việc nghiên cứu vấn đề cong vẹo cột sống và phác đồ điều trị từ rất lâu. Nhưng hồi đó chẳng thấy ai có ý kiến gì. Có người còn chẹp miệng mà nói rằng, ít nhất việc tìm ra phác đồ đặc trị căn bệnh này phải mất khoảng 30 năm nữa, họ không tin là tôi có thể làm được. Tuy nhiên, mới đây, các cơ quan này đã hướng dẫn tôi làm các thủ tục báo cáo về việc nghiên cứu vấn đề bệnh cong vẹo cột sống và phác đồ điều trị để gửi lên Sở Y tế, Sở Khoa học & Công nghệ thẩm định và công nhận sản phẩm của tôi làm ra. Bản báo cáo vừa được gửi cách đây mấy ngày và tôi đang chờ đợi".


Theo ông Túy, hiện các đối tượng tìm đến nhờ ông chữa cong vẹo cột sống ngày càng trẻ hóa, phần lớn là các đối tượng thanh thiếu niên đang trong độ tuổi đến trường. Vì vậy, đây cũng là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh và nhà trường về việc dạy các em ngồi học cho đúng nhằm ngăn ngừa bệnh gia tăng trong giới trẻ.


Quách Dương

Cảnh báo sử dụng chất bảo quản thực phẩm

   Ở các cơ sở chế biến thực phẩm công nghiệp, các phụ gia cho vào được kiểm định nghiêm ngặt về liều lượng và độ tinh khiết. Còn cá nhân dùng, người ta thường không định lượng được, tùy tay mà cho nhiều hay ít hơn,  và nguy hiểm chính là ở cái sự tùy tiện ấy.



Chè nhanh nhừ, khó thiu


Nếm những hạt đậu màu sắc tươi tự nhiên, rắn chắc, nguyên hạt nhưng lại nhừ, mềm khiến ai cũng tấm tắc khen: Chè nhừ, ngon thật. Mà sao ở nhà nấu kiểu gì cũng không mềm được thế này?
 

d
Chè nhừ, ngon thật, nhưng có an toàn hay không còn tùy tay người nấu

Mới bước vào hè nhưng những quán chè đã mọc lên nhan nhản tại các phố có đông sinh viên hoặc nhân viên văn phòng như: Trường Chinh, Tạ Quang Bửu, Cầu Giấy (Hà Nội). Tại một quán gần trường Đại học Bách khoa Hà Nội, người mua, người bán tấp nập. Phải mất khoảng 5 - 10 phút chờ đợi mới đến lượt mình.

Nói khẽ thôi, kẻo công an...


Qua một người bạn thường xuyên ăn chè tại Hà Đông, tôi được giới thiệu là em gái ở quê lên học nghề, nhờ chị chủ quán cho làm nhân viên phụ việc. Chị chủ quán tên Hương, 35 tuổi, cũng là người từ quê lên đây thuê cửa hàng rồi bán chè. Qua cái liếc mắt của chị chủ và những lời dò hỏi về hoàn cảnh, tin cô bạn tôi, chị Hương đã nhanh chóng nhận lời cho tôi bưng bê.


Sau 1 tuần tiếp cận, tôi được chị Hương truyền nghề: "Quan trọng nhất là mua được chất phụ gia. Đó là chất chống thiu (cần sủi) và chất làm nhừ (săm pết). Những chất này mua ở chợ Đồng Xuân, nhưng phải gọi đúng tên họ mới bán, và sử dụng như muối, mỳ chính sẽ khiến thời gian đun giảm khoảng 1 tiếng đồng hồ so với bình thường. Điều quan trọng, nếu hàng bán ế có thể để 2 - 3 ngày mà không vấn đề...".


Theo chỉ dẫn, tôi tới cổng sau của chợ Đồng Xuân (ngã ba phố Nguyễn Thiện Thuật - Cao Thắng, Hà Nội). Đập ngay vào mắt là cửa hàng đề tên  Loan - Thuận chuyên bán hàng khô, tươi. Tôi tự tin như người đã quá thuộc mặt hàng này, liền hỏi: Chị ơi, bán cho em 1kg săm pết và 1kg cần sủi. Chị chủ hàng ngó nghiêng một chút và bảo: Khẽ thôi, không công an. Đợi chị nhé, hàng này phải lấy trong kho, chứ ai bày ra đây để bị bắt à?! 5 phút sau, chị ta xách 2 túi gần giống nhau, màu trắng, dạng bột, không nhãn mác, bao bì, chị dặn: Túi đánh dấu DT là săm pết, V là cần sủi. Cho một hai thìa là có tác dụng rồi...


Săm pết, cần sủi là gì?


Xách cả hai túi bột nhờ chuyên gia phân tích giúp, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, săm pết là cách đọc chệch phiên âm tiếng nước ngoài (salpêtre - tiếng Pháp và saltpetre - tiếng Anh) là một sản phẩm thương mại dùng để bảo quản thịt, thực phẩm. Thành phần chính của săm pết là Kali nitrat (KNO3). Ở châu Âu, người ta dùng săm pết để bảo quản thịt trong gia đình và trong các nhà máy với mục đích chống lại hư hỏng thịt do Clostridium butilinum là một một loại vi sinh vật gây ra chất độc rất nguy hiểm (độc tố thịt - botulism). Sản phẩm săm pết được các công ty có uy tín sản xuất và được kiểm soát rất chặt chẽ của các cơ quan bảo vệ sức khoẻ, đồng thời có sự hướng dẫn sử dụng rất đầy đủ, người sử dụng cũng tuân thủ đúng hướng dẫn. Vì thế, săm pết không gây ra sự lo lắng cho người tiêu dùng ở châu Âu.


PGS.TS Phan Thị Sửu, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm cho hay, cần sủi là chất giúp thực phẩm nhanh nhừ, có hàm lượng bicacbonat nhất định, nhưng giống như săm pết, phải dùng có liều lượng. Ở các cơ sở chế biến thực phẩm công nghiệp, các phụ gia cho vào được kiểm định nghiêm ngặt về liều lượng và độ tinh khiết. Còn nếu dùng ở góc độ tư nhân, cá thể, người ta thường không định lượng được, chỉ vẩy vào khi nấu, có người tùy tay cho nhiều, người cho ít hơn và sự nguy hiểm ở chính cái sự tùy tiện ấy.
 

Nếu có 1kg KNO3  (săm pết) chúng ta có thể bảo quản cho 6.849kg thịt tươi. Rất tiếc rằng tại thị trường Việt Nam, việc sử dụng chất bảo quản mà chúng ta thường gọi là săm pết đã không được kiểm soát, nên người bán thường cho nhiều để đồ tươi lâu. Những người kinh doanh thịt đã mua rẻ thịt bị hư hỏng để xử lý và qua mắt người tiêu dùng, đặc biệt là họ đưa đi tiêu thụ ở các chợ cóc, chợ nông thôn hoặc các nhà hàng bình dân giá rẻ.

 
Nhóm PV y tế

Cụ ông 87 tuổi có 107 bà vợ và 185 con

   Một cụ ông 87 tuổi, đến từ Nigeria, khiến người phải thán phục khi lấy 107 bà vợ và có tổng cộng 185 đứa con.
Cụ ông Bello Maasaba, năm nay 87 tuổi, đã lấy 107 người người vợ - người vợ trẻ nhất mới vừa tròn 19 tuổi - và đứa con thứ 185 của ông vừa chào đời cách đây 1 tháng.
Theo thời báo Los Angeles Times, cụ ông người Nigeria hiện chỉ sống với 86 bà vợ sau khi ly dị 12 và 9 người vợ khác bị chết. Tính cả con, cháu, chắt và những người họ hàng cô gì chú bác, đại gia đình nhà ông Bello hiện có tổng cộng hơn 5000 thành viên.

Ông Bello Maasaba cùng các bà vợ và con
Ông Bello Maasaba cùng các bà vợ và con
 Tháng 9/2008, ông Bello đã bị cảnh sát bắt giam sau khi chính quyền địa phương phát hiện cụ ông này lấy quá nhiều vợ. Tuy nhiên, ông đã được thả sau đó vò các bà vợ của ông cho rằng họ cưới ông Bello hoàn toàn tình nguyện.
Ngôi nhà của ông Bello đang sống cùng với các bà vợ và những đứa con có tổng cộng 89 phòng – tương đương một khách sạn loại trung bình.
Lê Hương (Theo Emirates247)

Nến đốt càng thơm càng độc

Theo cảnh báo của các chuyên gia, lạm dụng thường xuyên, trong môi trường kín, các loại nến thơm có thể gây ra một số tác hại cho sức khoẻ: đau đầu, viêm xoang, tổn thương hệ thần kinh trung ương…
 
Sử dụng nến thơm trong phòng thay cho các loại đèn đang được nhiều người ưa chuộng, nhất là giới trẻ, vì vừa có ánh sáng, không gian lại thơm tho, lãng mạn. Một số loại nến có tinh dầu còn được giới thiệu có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng đầu óc, stress…

Đã là hoá chất, dùng ít hay nhiều đều độc hại


Theo TS Lê Thành Phương, hội Hoá học TP.HCM, người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo nến thơm sản xuất từ tinh dầu tự nhiên. Bởi, tinh dầu tự nhiên có giá thành rất đắt, dễ bay hơi và không thể làm nến nếu không pha thêm chất ổn định khác… “Đa số nến thơm có giá thành không đắt đều sử dụng các hương liệu tổng hợp. Về nguyên tắc, nến có mùi càng thơm thì càng có nhiều hoá chất. Đã là hoá chất, sử dụng ít hay nhiều đều độc hại. Tốt nhất nên tránh xa các loại nến có mùi quá thơm”, TS Phương nói. Một nguy cơ nữa có thể gây hại cho người dùng là nến có lõi bấc bằng chì. Việc dùng dây kim loại (thường là chì) để làm lõi bấc sẽ giúp nến cháy thẳng, lâu, ngọn lửa đẹp nhưng lại không tốt cho sức khoẻ. Nhiễm độc chì gây ra các vấn đề về thần kinh, gan, thận… và trẻ có nguy cơ chậm lớn.

Để an toàn, không dùng nến thường xuyên trong các không gian kín, ít thông gió…
Để an toàn, không dùng nến thường xuyên trong các không gian kín, ít thông gió…


ThS. BS Nguyễn Thị Minh, hội Lao và bệnh phổi Việt Nam, cho biết ước tính có khoảng 2% dân số thế giới mắc các chứng dị ứng với hương liệu. Một số tác hại thường gặp: gây kích phát các cơn hen suyễn, đau đầu, nghẹt mũi, ngứa họng, viêm xoang, đau mắt, tổn thương hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng quá trình mang thai, ung thư, vô sinh… Nhiều chất trong các sản phẩm có hương thơm đã được chứng minh có độc tính cao cho sức khoẻ con người như chất aeton, toluen, focmaldehit, benzen, metylen clorua…


Đốt nến thơm sao cho an toàn?


TS Phương có lời khuyên người dùng khi chọn mua nến nên xem kỹ phần bấc. Tốt nhất mua nến có bấc bằng sợi bông, không lõi hoặc bấc lõi giấy. Nếu bấc có lõi kim loại thì phải xem có phải bằng chì không (vạch đầu sợi lõi bấc vào giấy, nếu thấy xuất hiện các đường màu xám như bút chì thì không nên mua). Nếu có điều kiện thì mua nến làm bằng nguyên liệu tự nhiên như sáp ong, vừa an toàn sức khoẻ, vừa có mùi thơm dễ chịu. Trường hợp bấc quá dài, trước khi đốt nên cắt ngắn, còn chừng 1cm, “Bấc càng dài, lửa càng lớn, lượng muội khói độc càng nhiều...”, TS Phương giải thích.


BS Minh cho biết, có hai dạng ngộ độc hoá chất: ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Ngộ độc cấp tính biểu hiện thông qua các triệu chứng tức thời (buồn nôn, đau đầu, chảy máu chân răng...) Ngộ độc mãn tính là do nhiễm hoá chất lâu ngày, dẫn đến tích tụ độc chất trong người, ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng gan, thận, hệ thần kinh, tiêu hoá... Mức độ ngộ độc nặng có thể đưa đến tử vong. Để an toàn, nên tránh cho khói nến bám vào cơ thể. Không dùng nến trong các không gian kín, ít thông gió, như nhà tắm, phòng nhỏ bít bùng cửa… Không dùng nến thơm thực hiện phương pháp trị liệu bằng hương thơm nếu không có đủ hiểu biết về sản phẩm hoặc không tìm được nến của các hãng uy tín. Không đốt nến gần những nơi có nhiều đồ dùng bằng vải vì dễ xảy ra hoả hoạn, lại là môi trường để các chất độc hại trong khói nến lưu lại lâu dài.
 
“Không phải cứ dùng nến thơm là sẽ ngộ độc hoặc ảnh hưởng sức khoẻ ngay. Nếu thỉnh thoảng dùng thì không có gì quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng dùng thì phải xem lại. Trong quá trình sinh sống, cơ thể mỗi người đã tích luỹ một lượng hoá chất theo thời gian. Nếu đã tích trữ đủ giới hạn chịu đựng của bản thân thì chỉ cần hít thêm một lượng nhỏ thôi cũng có thể gây những triệu chứng ngộ độc hoá chất”, BS Minh nói.
 
 
Tranh cãi về sáp paraffin liệu có gây ung thư
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã thắp rất nhiều loại nến trong phòng thí nghiệm, sau đó thu thập và kiểm tra các chất khí toả ra. Kết quả, họ ghi nhận sáp paraffin làm nến chứa một lượng lớn các chất gây hại như toluen và benzen. Theo hội Hoá học Mỹ, một số chất thải từ nến thơm có sáp paraffin sẽ gây ung thư, một số chất khác gây suyễn và các bệnh về da.

Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc trung tâm Nghiên cứu ung thư của Anh lại cho rằng không có bắng chứng trực tiếp nào khẳng định dùng nến mỗi ngày ảnh hưởng tới phát triển ung thư. TS Noemi Eiser, quỹ Hô hấp của Anh khẳng định việc thi thoảng sử dụng nến sáp paraffin không thể gây bất kỳ nguy hiểm nào cho sức khoẻ, “Tuy nhiên, chúng tôi muốn tư vấn cho bạn cách phòng ngừa nguy hiểm bằng cách như: mở cửa sổ, giúp căn phòng thoáng đãng để giảm tối đa việc hít phải các khí toả ra từ nến...” TS Noemi Eiser nói.

T.L (Theo Dailymail)


(Theo SGTT)

Ipad bất ngờ có "người anh em song sinh" Iped giá rẻ ở Trung Quốc

   Hãng sản xuất máy tình hàng đầu nước Mỹ Apple có thể đã bán được 2 triệu chiếc máy tính bảng iPad đắt tiền trong thời gian không tới 2 tháng, song tập đoàn sản xuất máy tính này hiện đang đối mặt với thách thức cạnh tranh lớn đến từ một phiên bản y chang được sản xuất tại Trung Quốc, có tên gọi là iPed.


Đến nay, mặc dù iPad chính thức vẫn chưa được bán tại Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã có thể mua iPed tại Đặc khu kinh tế Thâm Quyến với giá 105 USD một chiếc, chỉ bằng khoảng 1/5 so với giá bán iPad 499 USD của Apple.

Một khách hàng Trung Quốc đang kiểm tra chất lượng iPed


Các hình ảnh về iPed, do các kênh thông tin truyền hình Nhật Bản thu thập và đăng tải trên trang web chia sẻ phim ảnh YouTube, cho thấy thiết bị này được bán tại một cửa hàng máy tính ở Thâm Quyến và được đóng gói trong bao bì rất giống với hộp đựng iPad. "Người anh em song sinh" gốc Trung Quốc của iPad sử dụng hệ điều hành Android và một bộ vi xử lý Intel.


iPad đã gặp đối thủ nặng ký về giá cả
iPad đã gặp đối thủ nặng ký về giá cả


Apple, hiện đã vượt qua tập đoàn phần mềm máy tính khổng lồ Microsoft trở thành công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ về giá trị, mới đây cho biết đã bán được 2 triệu iPad, vượt qua kỷ lục của điện thoại thông minh iPhone.

Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất Trung Quốc cho ra lò sản phẩm iPed giống hệt về mặt hình thức và chức năng sử dụng, nhưng với giá thành chỉ bằng 1/5 giá iPad, chắc chắn sẽ khiến Apple chịu tổn thất không nhỏ.

Tiến Trung (Theo AFP)